Trọn bộ kinh nghiệm du lịch Úc tự túc - Khám phá xứ sở chuột túi
Thịnh vượng về kinh tế, đa dạng về văn hóa, không ngạc nhiên khi Úc trở thành điểm đến mơ ước của giới xê dịch. Tuy nhiên, nếu không muốn đi theo tour du lịch Úc thì thủ tục tự túc liệu có phức tạp? Hãy để chúng tôi giúp bạn giải mã tất tần tật thông tin, tháo gỡ từng nút thắt về chuyến du lịch nước Úc tự túc nha!
1. Tổng quan cơ bản về nước Úc
Là châu lục có diện tích 7,7 triệu km2, lớn thứ 6 thế giới với tiềm lực kinh tế top đầu trên nhiều lĩnh vực, nước Úc còn thu hút đông đảo du khách nhờ khí hậu trong lành và nền văn hóa đa dạng. Ở xứ sở chuột túi, người dân sử dụng nhiều ngôn ngữ từ các sắc tộc khác nhau, nhưng ngôn ngữ chung thông dụng nhất vẫn là Tiếng Anh.
Nước Úc là một quốc gia phát triển giàu mạnh thuộc Khối Thịnh Vượng Chung.
Nước Úc có khí hậu ôn hòa, ấm dần về phía Bắc, các bang phía Nam có thể trải qua mùa đông lạnh giá nhưng hiếm khi nhiệt độ xuống âm. Đây cũng là đất nước có thời gian biểu độc đáo khi mùa hè kết thúc vào tháng 2 và mùa đông bắt đầu từ tháng 6. Mỗi mùa, cảnh sắc nước Úc lại có đặc trưng riêng để chiêu đãi du khách:
- Mùa xuân bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11: Đây là lúc thời tiết ấm áp, tươi tốt kết hợp cùng nhiều lễ hội sôi động và ẩm thực chợ đêm diễn ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước.
- Mùa hè bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2: Tiết trời mùa hè ở Úc vào độ nắng đẹp, thích hợp cho những hoạt động ngoài trời như tắm biển, lướt sóng, dã ngoại,.... Đây cũng là thời điểm náo nhiệt nhất trong năm khi du khách 4 phương đổ về đông đúc để tận hưởng không khí lễ hội tưng bừng.
- Mùa thu bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5: Khí hậu Úc lúc này khá mát mẻ, càng về cuối thu sẽ càng nhiều đợt gió se lạnh nhưng vẫn dễ chịu. Du lịch thời điểm này bạn sẽ được chiêm ngưỡng mùa cây thay lá vô cùng lãng mạn và bình yên.
- Mùa đông bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8: Thềm nhiệt độ lúc này sẽ giảm xuống nhanh chóng, thời tiết rất lạnh và có tuyết rơi, nhất là các khu vực phía Nam. Đây là lúc các bộ môn thể thao mùa đông như trượt tuyết sẽ trở nên sôi động.
2. Thủ tục cần chuẩn bị khi du lịch Úc tự túc
2.1. Chuẩn bị hồ sơ xin visa du lịch Úc
Là công dân Việt Nam, để nhập cảnh đến Úc với mục đích du lịch bạn cần phải được cấp diện thị thực Úc 600 Tourist Stream. Đây là dạng visa cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Úc du lịch trong một khoảng thời gian nhất định với 3 nghĩa vụ cần tuân thủ: không được làm việc, không được gia hạn và một lần nhập cảnh không được lưu trú quá 3 tháng.
Hồ sơ cơ bản xin visa du lịch Úc tự túc gồm có:
- Hộ chiếu gốc còn giá trị sử dụng ít nhất 6 tháng kể từ ngày dự định rời khỏi Úc
- Hộ chiếu cũ (nếu có)
- 01 ảnh 4 x 6 cm nền trắng, chụp không quá 6 tháng
- Tờ khai chi tiết về thân nhân
- Giấy khai sinh
- Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân
- Sổ hộ khẩu (tất cả các trang có thông tin)
- Giấy đăng ký kết hôn (nếu đã kết hôn)
- Quyết định ly hôn (nếu đã ly hôn)
- Giấy chứng nhận quân sự hoặc giấy xuất ngũ (nếu bạn đã từng phục vụ trong quân đội)
Ngoài ra bạn cũng cần chuẩn bị thêm các giấy tờ chứng minh tài chính (Giấy xác nhận số dư, bản sao sổ tiết kiệm, giấy tờ sở hữu bất động sản, xe,...), hồ sơ chứng minh công việc và thu nhập (hợp đồng lao động, bảng lương, giấy đăng ký kinh doanh, xác nhận nghỉ phép,... tùy theo tình trạng và đặc thù công việc), giấy tờ chứng minh kế hoạch du lịch Úc (vé máy bay 2 chiều, lịch trình du lịch tự túc, bảo hiểm du lịch, xác nhận đặt khách sạn,...).
2.2. Dự trù kinh phí cho các hạng mục trong chuyến đi
Khoản chi chính xác cho chuyến du lịch Úc còn tùy thuộc vào mức độ tiêu xài của mỗi cá nhân: thời gian chuyến đi, tiêu chuẩn lưu trú, mua sắm, ăn uống, số lượng điểm đến,.... Vậy nên bạn cần lên kế hoạch chi tiêu trước để có sự phân bổ hợp lý cho chi phí của từng hạng mục trong chuyến đi.
Hoạch định các khoản chi phí là bước cần thiết khi du lịch Úc.
Lập ra một khoản kinh phí dự trù dựa trên khảo sát giá của từng hạng mục. Danh sách những khoản cơ bản này sẽ bao gồm:
- Vé máy bay khứ hồi
- Khách sạn lưu trú
- Chi phí xin visa
- Chi phí di chuyển, đi lại
- Chi phí ăn uống
- Chi phí đặt gói tour/ vé vào cổng tại các địa điểm tham quan
Các khoản phát sinh khác (phí dịch vụ, tiền mua sắm quà tặng, tiền mua bảo hiểm du lịch,...).
3. Mua vé máy bay đi Úc ở đâu
Có rất nhiều hãng hàng không trong và ngoài nước đang khai thác chuyến bay từ Việt Nam đến Úc, trong đó có 2 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines và Vietjet Air đã có đường bay thẳng đến các thành phố như Sydney và Melbourne. Hầu như các chuyến bay sẽ khởi hành từ sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) hoặc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), thời gian bay nhanh nhất là 8 giờ 30 phút nếu bay thẳng, và sẽ kéo dài thêm tùy thuộc vào điểm dừng nếu chọn bay quá cảnh.
Bạn có thể mua vé máy bay đi Úc ở nhiều nguồn, đại lý trực tiếp, các phòng vé hoặc tiện nhất là đặt vé online. Lên kế hoạch và chuẩn bị sớm, đặt vé trước ít nhất 2 - 3 tháng sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí bay đáng kể.
4. Khám phá những điểm ăn chơi hot nhất nước Úc
4.1. Những điểm đến đẹp nổi tiếng nước Úc
Nhà hát Opera Sydney
Biểu tượng số 1 khi nghĩ về nước Úc chính là Nhà hát lớn hay còn gọi là “nhà hát con sò” (vì hình dạng vòm mái giống với những vỏ sò khổng lồ). Nằm ở trung tâm Sydney với 3 mặt giáp biển, rất gần vườn bách thảo Hoàng Gia (Royal Botanic Gardens) về hướng Nam. Công trình hoành tráng, uy nghi của nhà hát con sò đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Nơi đây cũng là một trong những biểu tượng kiến trúc vĩ đại mọi thời đại. Một bức ảnh thả dáng trước nhà hát con sò luôn là đặc điểm nhận biết số 1 của du khách khi tới Úc, vậy nên nhớ check-in khi đến đây nha!
Opera Sydney - Nhà hát con sò là điểm check-in yêu thích của du khách khi đến Úc.
Cầu bến cảng Sydney
Một trong những biểu tượng nổi bật của nước Úc nói chung và thành phố Sydney nói riêng - cầu bến cảng Sydney (Sydney Harbour Bridge) được biết đến là cây cầu thép lớn nhất thế giới. Minh chứng cho thành tích này, ngoài thiết kế hình mái vòm cực nghệ, cây cầu có chiều dài 1149 mét, đỉnh cầu đến chân cột vòm cao 134 mét. Sydney Harbour Bridge còn được mệnh danh là cây cầu lãng mạn nhất thế giới bởi từ khi đi vào hoạt động đến nay, nó đã chứng kiến ít nhất hơn 4000 lời cầu hôn và 25 đám cưới, con số này vẫn tiếp tục nhân lên qua các năm.
Cầu cảnh Sydney là một trong những biểu tượng huyền thoại của nước Úc.
Thành phố Melbourne
Thủ phủ bang Victoria nằm ở miền Nam và là một trong 2 thành phố phát triển nhất nước Úc. Nếu Sydney mang không khí chộn rộn của những buổi tiệc sôi động, thì Melbourne lại đa sắc thái đối lập. Ở đây có những khu khoác lên mình màu áo cổ điển, phồn thịnh của những công trình kiến trúc đậm màu gạch đỏ, và cả những phố phường ngập tràn sang chảnh của những tòa nhà phủ kính chọc trời.
Melbourne có đủ mọi sắc thái, từ cổ điển uy nghiêm đến hiện đại phóng khoáng.
Đến Melbourne, bạn nhất định phải tham quan thư viện quốc gia Victoria để chiêm ngưỡng lối kiến trúc kỳ công của châu Âu, khám phá kho tàng tinh hoa chứa hơn 2 triệu đầu sách, báo, bản đồ và các tác phẩm khoa học. Thành phố này cũng nổi tiếng với Ga xe lửa phố Flinders - nhà ga lâu đời nhất nước Úc với dàn đồng hồ cổ - điểm hẹn dễ nhận biết nhất của dân bản địa. Ngoài ra, bạn có thể dạo phố Collins để shopping hàng hiệu sang chảnh, tham quan Nhà thờ St Paul's cổ kính, hay quảng trường Federation với vẻ phóng khoáng, hiện đại đi kèm những hoạt động cộng đồng sôi nổi.
Bãi biển Bondi
Được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất nước Úc, Bondi chỉ cách trung tâm Sydney gần 10km và sở hữu bờ biển uốn lượn dài gần 2km. Không khí ở đây luôn đông vui quanh năm, thường được chọn là nơi tổ chức các cuộc thi hoa hậu, đăng cai các sự kiện liên quan đến thể thao, du lịch biển,... tầm cỡ quốc gia. Bản thân cái tên Bondi được dịch trong tiếng thổ dân là “âm thanh của sóng biển”, cũng đủ để khẳng định sự sôi động đồng điệu từ thiên nhiên đến con người. Đến Bondi, bạn đừng quên thử bộ môn lướt ván “khoái khẩu” của dân Úc, cũng như tắm nắng và thưởng thức hải sản cực ngon nha!
Bondi luôn thuộc top đầu bãi biển đẹp nhất nước Úc.
Vườn quốc gia Kakadu
Kakadu nằm cách thành phố Darwin - thủ phủ vùng Northern Territory 170km về phía Đông Nam, có diện tích 19.000km2. Nơi đây không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ mà còn tồn tại màu sắc văn hóa, lịch sử đậm nét của những bộ tộc cổ hàng ngàn năm trước. Hẻm núi Koolpin hay chân dốc Arnhem Land là nơi cắm trại lý tưởng để du khách được dịp hòa mình cùng thiên nhiên, ngắm hoàng hôn trên những cánh rừng đẹp nhất nước Úc.
Vườn quốc gia Kakadu là điểm đến mơ ước của dân ưa phiêu lưu.
Vườn quốc gia Kakadu cũng là ngôi nhà chung của 280 loài chim, 60 loài động vật có vú, trên 50 loài nước ngọt, trên 10.000 loài côn trùng và hơn 1600 loài thực vật đặc trưng của vùng. Đặc biệt, đến đây bạn sẽ được lạc vào một tập phim “thế giới động vật” với vô vàn loài cá sấu, tận mắt chứng kiến “những câu chuyện kể” về cuộc săn đuổi không hồi kết của loài bò sát khổng lồ này.
Công viên biển Great Barrier Reef, Queensland
Một điểm đến xứng danh kỳ quan khác tại Úc đó là công viên biển Great Barrier Reef, nơi sở hữu rạn san hô lớn nhất thế giới. Trải dài hơn 2300km ngoài khơi Đông Bắc Úc thuộc bang Queensland, đây là nơi sinh sống của hơn 2900 rạn đá san hô và 900 đảo san hô lớn nhỏ. Cùng với đó, một hệ sinh thái thiên nhiên hoang dã gồm 5000 loài động vật thân mềm, 200 loài chim, 400 loài san hô, 500 loài tảo biển, hàng nghìn loài cá gồm cả 30 loài cá heo và cá voi quý hiếm cũng sinh trưởng tại đây.
Hoạt động lặn ngắm san hô mang về doanh thu du lịch khổng lồ cho Úc.
UNESCO chính thức công nhận Great Barrier Reef là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1981. Cho đến nay, ngành du lịch Úc bỏ túi hơn 3 tỷ đô la mỗi năm từ việc tổ chức tham quan cực phẩm dưới nước này. Chưa kể nơi đây còn cùng khu vực với quần đảo Whitsunday, gồm tập hợp 74 hòn đảo thiên đường nhiệt đới, nơi có bãi biển Whitehaven từng được công nhận là bãi biển đẹp nhất thế giới. Quá đủ lý do để phải đến Queensland cho chuyến tới rồi!
Tasmania
Tasmania là bang nhỏ nhất của Úc xét về cả diện tích và dân số, nhưng đồng thời cũng là bang đảo thịnh vượng nhất của xứ sở chuột túi. Được định hướng phát triển tự nhiên nên hơn 45% diện tích của Tasmania dùng để thành lập các khu bảo tồn hoặc công viên quốc gia. Đây cũng là khu vực có nền nông nghiệp và ngư nghiệp phát triển vượt trội của đất nước.
Tasmania thơ mộng, trữ tình nhưng cũng rất giàu đẹp nhờ định hướng kinh tế đúng đắn.
Từng được công nhận là 1 trong 5 hòn đảo đẹp nhất thế giới, Tasmania có thời tiết ôn hòa với khí hậu đủ 4 mùa. Bao quanh tầm mắt bởi núi non hùng vĩ, chạm chân trên những cánh đồng hoa oải hương, khám phá những loài động vật có 1 không 2 chỉ tại địa phương này,... tất cả đều là những trải nghiệm đáng giá mà chỉ có tới Tasmania bạn mới cảm nhận được!
Kimberley
Nằm ở vùng Tây Bắc xa xôi của nước Úc, Kimberley đúng nghĩa là cô gái cá tính, đầy hoang dại với những dãy núi đá trập trùng, ngọn tháp hình tổ ong ở rặng Bungle Bungle, hồ Argyle rộng lớn, những thác nước dốc đứng ở đồng bằng Mitchell. Nơi đây cũng là xứ sở kim cương theo đúng nghĩa đen của Úc, nơi có những khu khai thác khoáng sản xa xỉ này từ lâu đời.
Miền Tây Bắc nước Úc có một “viên ngọc thô cực sáng” tên Kimberley.
Đến Kimberley, bạn không thể bỏ qua những trải nghiệm hòa cùng cuộc sống của người dân bản địa, chèo thuyền kayak, lặn với vòi hơi, câu cá và bắt cua bể với những hướng dẫn viên địa phương, mục sở thị nghệ thuật vẽ trên đá cổ xưa ở Công Viên Quốc Gia Drysdale,... Nghe hấp dẫn quá phải không!
4.2. Top những món ăn ngon nước Úc
Úc là nơi bạn dễ dàng tìm thấy các món ăn từ Đông sang Tây. Đầu tiên, các món đặc sản của Úc có nhiều nét tương đồng với ẩm thực Anh Quốc, vì trong lịch sử thực dân Anh từng cai trị nơi đây. Cùng với đó, Úc cũng là quốc gia chào đón làn sóng nhập cư từ khắp 4 phương: châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi nên hương vị ẩm thực Úc mang nét tổng hòa rất riêng. Để MoMo giới thiệu những món ăn khoái khẩu của dân Úc đến cả nhà nha!
Thịt Kangaroo nướng
Những chú Kangaroo gắn liền với biểu tượng của nước Úc. Tuy nhiên, số lượng của loài vật này đã vượt quá lượng dân ở một số vùng, gây nguy cơ về an toàn, vậy nên thịt Kangaroo được chính phủ nước sở tại khuyến khích đưa vào khai thác ẩm thực. Và chỉ có ở Úc bạn mới được dịp thưởng thức những xiên thịt Kangaroo được xếp xen kẽ với ớt chuông, cà chua bi, hay các loại rau củ khác. Tất cả được tẩm ướp với nước sốt đặc biệt, nướng trên bếp than hồng dậy mùi thơm phức. Ăn thịt nướng kèm một ly bia mát lạnh, tinh hoa ẩm thực Úc là đây rồi!
Chỉ có ở Úc bạn mới được thỏa sức thử món Kangaroo nướng thơm ngon này!
Bánh Pavlova
Năm 1926, vũ đoàn của huyền thoại ballet Anna Pavlova đã thực hiện tour diễn tại Úc và New Zealand. Thông quan đó, tài năng của bà đã khiến người dân ở hai quốc gia Châu Đại Dương hết lòng cảm phục và sáng tạo ra món bánh Pavlova như một cách để vinh danh. Giống như những điệu múa ballet uyển chuyển, chiếc bánh Pavlova mang dáng vẻ trắng mịn bồng bềnh như một đám mây, bên trên thường được phủ topping là những loại trái cây mọng nước, có màu sắc bắt mắt như kiwi, dâu tây, việt quất,...
Vẻ ngoài đẹp như một ngọn núi tuyết phủ đủ sắc màu của bánh Pavlova.
Bên ngoài, miếng bánh Pavlova cứng cáp với lớp vỏ mỏng giòn, nhưng khi thưởng thức, kết cấu bánh trở nên mềm mịn, tan trên đầu lưỡi với vị beo béo quyện cùng topping trái cây chua ngọt. Chẳng trách người Úc đặc biệt “sủng” loại bánh này như một món tráng miệng không thể thiếu trên bàn tiệc hay những buổi trà chiều trang trọng.
Bánh xốp Lamington
Người Úc mê đắm và tự hào về loại bánh ngọt này tới mức dành riêng ngày 21/7 hàng năm để kỷ niệm “National Lamington Day”. Là một loại bánh vừa ngon miệng, đẹp mắt mà không đòi hỏi kỹ thuật chế biến cao, bạn có thể dễ dàng tìm thấy Lamington trong các quầy bánh siêu thị, quán cafe, món tráng miệng trong thực đơn của các hàng quán, hay trong cả bữa ăn thường ngày của người Úc.
Bánh xốp Lamington đẹp từ hình thức đến hương vị.
Những hình khối nhỏ xinh của bánh Lamington là sự kết hợp của mứt trái cây hoặc kem kẹp giữa cốt bánh gato, tiếp đến phủ đều một lớp chocolate icing óng mượt, và công đoạn cuối là khoác lên mình lớp dừa khô trông như chiếc áo lông vũ điệu đà. Từ đó cho ra hương vị ngọt ngào, lôi cuốn và cực hài hòa không thua kém một chiếc bánh kỳ công nào.
Hamburger củ dền
Hamburger thì khắp nơi trên thế giới đều có, nhưng mạnh dạn thêm vào đó nguyên liệu củ dền với màu đỏ đặc trưng thì chỉ có ở Úc mà thôi! Tùy theo cách chế biến mà củ dền có thể để nguyên lát hoặc cắt nhỏ, tạo thành một lớp bắt mắt cho chiếc bánh Hamburger có nhân bất kỳ. Độ mọng nước của củ dền khi cắn giúp “chữa ngán” phần tinh bột khô của vỏ bánh, đồng thời vị ngọt thanh từ loại củ này cũng làm chiếc bánh hamburger trở nên đằm vị và hấp dẫn hơn. Rất nên thử khi tới Úc luôn đó các du khách ơi!
Hamburger củ dền có vị ngon miệng đặc trưng, thanh mát từ rau củ tự nhiên.
Bush Tucker
Được chế biến, phối trộn bởi nhiều nguyên liệu như trái cây, rau củ, côn trùng… Bush Tucker là món ăn thể hiện đậm chất phóng khoáng, hoang dã của văn hóa thổ dân nguyên thủy.
Độc đáo và hoang dại là tính từ khi gợi tới món Bush Tucker.
Theo cách định nghĩa sát nhất với thực tế thì món ăn này là tổng hòa của những thứ mà người ta có thể thu được từ chuyến đi săn như rau rừng, một số loài bò sát và côn trùng, nhộng, sâu, đậu hoang... Chúng sẽ được nướng trong tro lửa để đảm bảo vệ sinh và dậy mùi hấp dẫn hơn. Tuy không phải ai cũng muốn thử Bush Tucker sau khi đọc bảng thành phần ấn tượng này, nó vẫn đáng để cân nhắc cho một trải nghiệm phong cách thổ dân “rất Úc” đó!
Meat Pie - Bánh nướng nhân thịt
Một cực phẩm đặc trưng khác của nước Úc phải kể đến là bánh nướng nhân thịt (Meat Pie). Bắt nguồn từ thời cổ đại với mục đích trữ thịt được lâu hơn, người dân đã sáng tạo ra cách dùng vỏ bánh ngọt rỗng ruột để chứa đầy nhân thịt bên trong. Qua nhiều thế kỷ, món bánh này đã trở nên phổ biến và là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của xứ sở chuột túi.
Phần bánh mỏng giòn bao phủ nhân mặn dậy vị là đặc trưng của Meat Pie.
Với phần vỏ bánh được làm từ bột mì tương tự các loại bánh thông dụng khác, tinh túy của Meat Pie là phần nhân mặn bên trong, thường là thịt lợn hoặc bò. Ngoài ra để tạo đổi mới và tăng hương vị cho chiếc bánh, đầu bếp cũng bổ sung thêm các nguyên liệu khác vào thịt băm như nấm, phô mai, các loại gia vị, rau củ cắt nhuyễn, lòng đỏ trứng gà, vài loại rau thơm... Bánh sau khi nướng thành phẩm sẽ có lớp vỏ giòn rụm và nhân thịt nóng hổi, bốc khói và mùi thơm rất hấp dẫn.
Gà Parmigiana
Dù du nhập từ Ý nhưng gà Parmigiana nhanh chóng trở thành món khoái khẩu của người dân Úc với sự biến tấu mới mẻ. Nguyên liệu chính của món ăn là ức gà với sốt cà chua, phối cùng 2 loại phô mai Mozzarella và Parmesan. Gà Parmigiana thường được ăn kèm với spaghetti và salad tạo nên hương vị béo thơm của gà, giòn mọng của salad. Đây là món mà ở bar/ pub và các hàng quán thường được người dân Úc gọi như câu cửa miệng khi không biết ăn gì.
Gà Parmigiana - món ăn quen thuộc tại các hàng quán, bar/ pub trên khắp nước Úc.
Cá chẽm Úc Barramundi
Là đặc sản Úc lừng danh thế giới, cá Barramundi hay còn gọi là cá chẽm đặc biệt sinh trưởng tốt tại vùng vịnh Shark ở Tây Úc, xuống đến sông Mary và Maroochy ở Queensland, cũng như khắp phía bắc và bờ biển Kimberley. Với phần thịt chắc nịch, ngon ngọt nổi tiếng, cá chẽm có đến hàng trăm công thức được các đầu bếp trên khắp xứ sở chuột túi sáng tạo nên. Phổ biến nhất là sốt chanh, áp chảo, nướng cháy cạnh, hay kết hợp cùng các loại sốt cay nóng.
Cá chẽm Barramundi lừng danh thế giới với thịt chắc và ngọt.
5. Những lưu ý khi du lịch Úc
Ngoài khác biệt về văn hóa, khí hậu, du khách khi đến Úc cũng cần chú ý những điểm mới lạ trong sinh hoạt. Để MoMo tổng hợp giúp bạn dễ ghi chú nha!
- Nước Úc rất gắt gao đối với việc kiểm duyệt các thực phẩm, thuốc men,... du khách mang theo. Vì vậy để việc nhập cảnh nhanh gọn, bạn nên tránh mang theo hoa quả, rau, và các loại thực phẩm tươi sống hoặc đã chế biến.
- Đối với xuất cảnh, không mang theo động vật hoang dã hay những chế phẩm làm từ những loại động vật được bảo vệ. Đồng thời cũng cấm mang ra khỏi đất nước Úc những động vật và thực vật, những chế phẩm có nguồn gốc từ thế giới hoang dã như san hô, vỏ ốc, bò sát…, nếu không có giấy phép của cấp có thẩm quyền liên quan.
- Giao thông của Úc là đi bên trái, ngược hướng với thói quen ở Việt Nam. Vậy nên bạn cần lưu ý điều chỉnh hướng quan sát khi sang đường hay khi sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng.
- Dòng điện ở Úc có hiệu điện thế 230 - 240 Volt. Bạn cần mang theo nắn dòng (Adapter) và loại phích cắm điện phù hợp với phích cắm 2 hoặc 3 chân dẹt của vật dụng sạc pin và ổ cắm.
Trên đây là những kinh nghiệm hữu ích được Combotrip24h tổng hợp cho chuyến đi du lịch Úc. Nhớ lưu lại để có chuyến đi thật đáng nhớ đến xứ sở chuột túi bạn nha!